Chỉ số B1được hiểu là chỉ số tổng hợp ý kiến cảm nhận thông qua trả lời câu hỏi khảo sát về mức độ tạo thuận lợi hay gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tuân thủ những quy định của pháp luật làm phát sinh chi phí tuân thủ pháp luật; chi phí hành chính; chi phí đầu tư để tuân thủ pháp luật; phí, lệ phí; chi phí rủi ro pháp lý; chi phí không chính thức; và được xếp theo thang bậc đánh giá tính từ mức 01 (kém nhất) đến mức 07 (tốt nhất).
Chỉ số B1 là một trong những chỉ số quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh. Nếu quy định của pháp luật phức tạp, không rõ ràng, không hợp lý, đặt ra nhiều yêu cầu, điều kiện sẽ trở thành gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật và chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Việc tổ chức thi hành pháp luật không tốt sẽ làm gia tăng chi phí hành chính, chi phí không chính thức hoặc chi phí rủi ro pháp lý, làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; điều này gây tốn kém cho doanh nghiệp, cản trở các doanh nghiệp đầu tư, hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, cản trở phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Để nâng xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật (B1) trên địa bàn Tỉnh, cần có những giải pháp đồng bộ và cần có sự tham gia của các sở, ngành, cụ thể như sau:
1. Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật không rõ ràng, không cụ thể, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh, gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt quan tâm đến các quy định tạo ra chi phí tuân thủ pháp luật về gia nhập thị trường và chi phí tuân thủ pháp luật về xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh.
2. Công bố kịp thời, đầy dủ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các điều kiện đầu tư kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, các nội dung sửa đổi, bổ sung, các quy định mới trong các lĩnh vực kinh doanh để làm phát sinh các chi phí không chính thức trong tuân thủ pháp luật.
3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến; tập huấn, bồi dưỡng nhằm quán triệt quy định của các văn bản pháp luật mới được ban hành để cán bộ, công chức, viên chức và doanh nghiệp hiểu và bảo đảm thực hiện đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ, giải thích các điểm chưa rõ ràng, chưa cụ thể trong các quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật.
4. Thiết lập các hình thức đa dạng, linh hoạt trong tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp trong thực thi và tuân thủ pháp luật; bảo mật thông tin về tổ chức, cá nhân khiếu nại, tố cáo để doanh nghiệp tự giác, kịp thời khiếu nại, tố cáo những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi pháp luật.
5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ ở cấp cơ sở và những lĩnh vực như xuất khẩu, nhập khẩu, thuế, sử dụng dịch vụ công cộng, xây dựng…; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp.
6. Thực hiện nghiêm việc công khai các thủ tục hành chính, đặc biệt là các thủ tục hành chính về điều kiện đầu tư kinh doanh trên cổng thông tin điện tử, trụ sở làm việc bảo đảm thuận tiện cho việc tìm hiểu, tra cứu, cập nhật thông tin đối với doanh nghiệp. Tiếp tục cải tiến quy trình giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp theo hướng giảm chi phí, rút ngắn thời gian; thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
7. Tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo không có các quy định mới chứa đựng các yêu cầu không cần thiết, bất hợp lý, cản trở điều kiện đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp.
8. Tiếp tục tạo sự liên thông giữa hoạt động xây dựng, hoàn thiện pháp luật với hoạt động tổ chức thực thi pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội doanh nghiệp rà soát, cập nhật để nắm bắt, tổng hợp các quy định của pháp luật có nội dung chưa rõ, khó hiểu, mâu thuẫn, chồng chéo hoặc thiếu khả thi, đồng thời, rà soát tổng hợp các quy định pháp luật không rõ ràng, thiếu tính minh bạch, khó tuân thủ, bất hợp lý để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ theo quy định./.
Võ Minh Sang