8 quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần biết từ 1-1-2021

1. Mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng

Theo nội dung được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết 128/2020/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 thì trong năm 2021, chưa thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở.

Như vậy, theo quy định tại Nghị định 38/2019/NĐ-CP về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì mức lương cơ sở năm 2021 là 1.490.000 đồng/tháng.

2. Bảng lương cán bộ, công chức, viên chức năm 2021

Với việc giữ nguyên mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng thì bảng lương cán bộ, công chức viên chức được tính toán theo bảng sau:

– Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước.

– Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước.

3. Mức lương tối thiếu vùng năm 2021

Mức lương tối thiểu vùng năm 2021 được nêu tại Nghị định 145/2020/NĐ-CP, cụ thể là thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP như sau:

Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV

4. Tăng tuổi nghỉ hưu

Theo quy định hiện hành tại Bộ luật lao động 2012 thì tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

5. Tăng Mức hưởng bảo hiểm y tế trái tuyến tỉnh

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 ( sửa đổi, bổ sung 2014 ), người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (mức hưởng khi đi khám đúng tuyến) theo tỷ lệ là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước (Hiện hành là 60%).

Quy định trên được hiểu như sau: Ví dụ một người có thẻ bảo hiểm y tế thuộc đối tượng có mức hưởng 80% chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp đi khám chữa bệnh đúng tuyến thì:

– Hiện nay, đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 60% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 48% chi phí điều trị nội trú).

– Từ 1-1-2021, đi khám chữa bệnh trái tuyến tại bệnh viện tuyến tỉnh được chi trả theo tỷ lệ là 100% của 80% chi phí điều trị nội trú (tức 80% chi phí điều trị nội trú).

6. Chính sách về hưu trước tuổi thuộc diện tinh giản biên chế

Hiện nay, điều kiện về tuổi để đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế được về hưu sớm mà không bị trừ tỷ lệ lương hưu sẽ căn cứ theo Bộ luật Lao động 2012.

Tuy nhiên kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hữu tăng theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 vì vậy chính sách về hưu trước tuổi đối với đối tượng thuộc diện tinh giản biên chế cũng thay đổi và được cụ thể hóa theo quy định tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định 143/2020/NĐ-CP.

7. Điểm mới tại Bộ luật lao động có hiệu lực từ 1-1-2021

Bên cạnh quy định mới về việc tăng tuổi nghỉ hưu trước đó, Bộ luật Lao động 2019 còn có rất nhiều nội dung mới ảnh hưởng trực tiếp tới NLĐ, đơn cử như:

– Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động

+ Hợp đồng lao động xác định thời hạn.

+ Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

– Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do.

– Chấp nhận hợp đồng lao động được thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu.

– Người lao động được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương.

– Người sử dụng lao động phải chịu chi phí mở tài khoản cho người lao động nếu trả lương qua ngân hàng…

8. Lịch nghỉ lễ, Tết năm 2021 của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

**Tết Dương lịch 2021:

– Đối với người lao động có chế độ nghỉ 2 ngày/tuần (vào Thứ 7 và Chủ nhật): Nghỉ 3 ngày liên tục từ ngày 1-1-2021 đến hết ngày 3-1-2021, trong đó có 01 ngày ghỉ Tết dương lịch (1-1-2021) và 2 ngày nghỉ hàng tuần (vào ngày 2-1-2021 và ngày 3-1-2021).

– Đối với người lao động có chế độ nghỉ 01 ngày/tuần (vào Chủ nhật): Nghỉ 01 ngày vào ngày 01/01/2021.

**Tết Âm lịch năm Tân sửu 2021:

Về phương án nghỉ Tết Âm lịch 2021 của NLĐ, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động, thương binh và Xã hội về việc nghỉ Tết Âm lịch 2021 07 ngày, từ ngày 10-2-2021 đến hết ngày 16-2-2021 (tức ngày 29 tháng Chạp năm Canh Tý đến ngày mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Lưu ý: Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ Tết Âm lịch cho phù hợp.

**Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 năm Tân Sửu): Nghỉ 01 ngày vào ngày 21-4-2021.

**Ngày Chiến thắng (30-4) và Ngày Quốc tế lao động (1-5):

– Đối với người lao động có chế độ nghỉ 2 ngày/tuần (vào Thứ 7 và Chủ nhật): Nghỉ 04 ngày liên tục, từ ngày 30-4-2021 đến hết ngày 3-5-2021.

– Đối với người lao động có chế độ nghỉ 1 ngày/tuần (vào Chủ nhật): Nghỉ 3 ngày liên tục, từ ngày 30-4-2021 đến hết ngày 2-5-2021.

**Lễ Quốc khánh (2-9):

Về phương án nghỉ lễ Quốc khánh (2-9) của người lao động, Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động, thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ Quốc khánh từ 2-9-2021 đến hết ngày 5-9-2021.

Lưu ý: Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ lễ Quốc khánh cho phù hợp.

Ban Biên tập

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *